GIỚI THIỆU: CHÙM THƠ của ĐỨC SƠN - NGỌN ĐÈN THƠ

TRANG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

BÀI VIẾT ĐỌC NHIỀU

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2025

GIỚI THIỆU: CHÙM THƠ của ĐỨC SƠN

           

            Chùm thơ của nhà thơ Đức Sơn là bản hòa ca đầy xúc cảm về Tổ quốc, nơi có biển cả cuộn trào ý chí, có dòng Hương ngân vang tiếng vĩ cầm quê hương và có nghĩa trang liệt sĩ lặng thầm nhắc nhớ những hy sinh bất tử.

          Với giọng điệu tha thiết, sâu lắng và giàu hình tượng, ba bài thơ trong chùm thơ là ba trục cảm xúc xoay quanh tình yêu đất nước: Bay lên gió sóng vỗ bài thơ Tổ quốc tạc khúc tráng ca của những người cha lênh đênh giữa trùng khơi; Tiếng vĩ cầm bên sông Hương là giai điệu dịu êm của xứ Huế mộng mơ; và Thắp nén hương ở nghĩa trang liệt sĩ là khúc tưởng niệm bi tráng, chan chứa nghĩa tình với những người đã ngã xuống cho nền độc lập.

          Đọc chùm thơ, ta như lắng nghe được nhịp tim của đất, hơi thở của biển, và âm vang của lịch sử. Đó là những bài thơ không chỉ để đọc, mà để lắng bằng cả tâm hồn.

Nhà thơ Đức Sơn

BAY LÊN GIÓ SÓNG VỖ BÀI THƠ TỔ QUỐC

 

Biển màu diệp lục

Cát vàng lay đọng sóng xô

Dạt dào mũi tàu bươn lao mãi miết  

Biển ơi! trùng trùng xanh cuộc nói gì để săn luồng cá, tôm

                   

Nói gì thăm thẳm phả mặn mòi

Biển chân thật - đam mê ngả nghiêng giấc mơ 

Như thể rẽ chờm rộng lớn

Đưa sức cha vạm vỡ chao trời sá gì!

Để lao lung bẻ sóng

Khoác thềm lục địa quê hương giữ gìn vững thấu

Chung sức cha trổ nước, trổ gió 

Vớt ròng ánh bạc 

hối thúc mũi tàu rẽ dâng rạng ngời  

Ý chí là tất cả con tàu nâng niu

 Biển giấu, cha đi tìm theo cuộc hướng luồng

Tầm ngư vây đèn tàu lướt vờn bay rong ruổi

Gọi vỉa ròng thức  

                       

Con mắt tàu vén sáng ngang dọc  

                        

Đập cánh hải âu. Biển cả. Đất liền

Bay lên gió sóng vỗ bài thơ Tổ quốc

                            

Góc bờ quê hương cha định vị

Có hình bóng người mong đợi sóng yên.

 

TIẾNG VĨ CẦM BÊN SÔNG HƯƠNG

 

Quyện thấu âm vực

Lời reo về sông lô xô trong trẻo

Như trào réo rắt

Khóm hoa tường vi hồng thắp

 

Chảy dùng dằng bảng lảng đưa giọt đàn rung cảm

Ngọc ngà thăng hoa chảy rong rêu miên miết

Viên ngọc trổ thanh âm vút tầng cao

Mặt dòng ánh sáng dáng nghiêng 

 

Nhánh rẽ sương buông giăng nhà ai vén bóng

Mà réo rắt vĩ cầm ngược xuôi 

 

Vọng đánh thức khung trời mộng mơ

Trao bâng khuâng nhịp cầu cong

Bóng vàng lay chiếc lộng con đường đánh nhịp

Khúc tình ca ôm trọn Huế 

 

Mênh mang cánh rừng, lả lướt du dương 

Mắt biếc tiếng Sông Hương 

Cánh cò lẫn mờ dạt quầng mây trắng

Cây vĩ cầm rung ngân Huế xanh.

 

THẮP NÉN HƯƠNG Ở NGHĨA TRANG LIỆT SĨ

   

Tháp nghĩa trang dựng, chỗ nằm của bác, cậu út của mình

Hy sinh thời kháng chiến

 Chỗ nằm của bác, cậu tôi và nhiều đồng đội

Dấn thân can trường

Máu lửa, bây chừ nằm sương gió đất quê

Khói hương ngày Rằm, mồng Một

 

Nghĩa trang như một con thuyền dong cánh buồm thắm đỏ

Tâm linh 

lồng lộng bầu trời lý tưởng

 

Mãi cái năm đó đau thương mà lẫm liệt

Trên tấm bia khắc tên Liệt Sĩ Trần Quyền, Trần Phàn

Ngày đi kháng chiến

Phơi phới như cánh buồm đón gió

Ngày nằm xuống, ngày nối ngày vang lừng chiến công Sông Gianh, Cự Nẫm… (*)

     

Ngày đó, bà ngoại héo mòn nỗi đau

Ông ngoại chơi vơi ở vùng địch hậu

Các con của bác thơ ngây ngồi mắt tròn cùng ông cháu

Rồi nước mắt li tán

Rời quê chốn, đếm sao hết cam go

 

Đếm sao hết mấy chục năm rồi- lấp lánh Huân Chương

Lồng ngực đất miền Trung gió Lào rát bỏng

          

Các con của bác chưa về

Phương trời, để thắp nhang cho cha, chú

 

Mấy chục năm rồi

Các con của bác

Làm lụng vẫn phương trời hướng về

Nghĩa tình sâu nặng

Có cha, có chú bất khuất

Thương nhớ vời vợi ôm tiếng ông bà, tổ tiên

 

Khúc bi tráng, lòng thành, nghĩa lớn

Thấm đượm

 “Không có gì quí hơn độc lập tự do”.

               

Cháu làm sao đếm hết công ơn trời sao với gió

Thắp, nhờ hương khói thăm thẳm nỗi niềm

Tổ quốc ghi công kính dâng vô vàn rưng rưng.

 ------------

(*) Những trận đánh vang lừng chiến công của quân dân Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình, cũ) thời kháng chiến chống thực dân Pháp.

Hình ảnh copy


Không có nhận xét nào:

Trang