TÍNH THIỆN TRONG BAO DIÊM - Đặng Ngọc Tam Giang - NGỌN ĐÈN THƠ

TRANG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

BÀI VIẾT ĐỌC NHIỀU

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2024

TÍNH THIỆN TRONG BAO DIÊM - Đặng Ngọc Tam Giang

          1. 

          Thường ngày ông Thứ là người làm giỏi, nói nhiều, nói to và hay chuyện. Ở đâu có ông là ở đó có tiếng. Ông bắt chuyện với người ta rất khéo, bao giờ ông cũng nói trái ý để người ta phải nói với ông. Gặp anh đọc báo, ông hỏi: “Rứa có biết nói láo không?”. Ý ông cho là “đài nói láo, báo nói thêm”. Người không biết nói láo thì đừng đọc báo; đọc không khéo sẽ bị báo chí lừa. Gặp anh thợ tóc, ông kêu: “Hớt tóc cao là làm cho tóc dài đúng không?”. Gặp người đi cấy ông hỏi khi nào gặt. Biết người đi chơi, ông hỏi đi làm gì. Thấy người già ông khen trẻ... Đặc biệt, ông thích chọc ghẹo các cô, các chị quá thì, quả phụ. Làng trên, xóm dưới hễ có cô nào chồng qua đời, chồng ly dị là người ta cặp đôi cho ông. Ông lấy đó là niềm vui...


          “Đi đêm lâu ngày cũng gặp ma”, ông Thứ cũng đã có lần vấp phải.

          - Răng cấy lúa một mình buồn rứa em ơi, để anh cùng cấy với cho lúa mau lên! - Ông thấy người đàn bà cấy một mình dưới ruộng nên có ý ghẹo.

          - A, chào anh Thứ! Anh nói thiệt à! Em cấy một mình buồn nè, xuống cấy với em! - Người quả phụ nói như thật.

          - Xuống cấy nghe! - Ông Thứ giả vờ nói.

          - Dạ, xuống cấy đi anh! Em đang đau cái lờ (L) quá, rất muốn anh giúp! 

          Chữ L trong ý là đau lưng và hàm ý tục khác. Người dân đi cấy hay nói: “Đau lờ (L), mỏi cờ (C)” nghĩa là đau lưng mỏi cổ để cho vui. Ông Thứ chỉ nói mà không làm, ông vác cái cuốc bước tiếp qua bên kia đường. Quả phụ gọi với theo:

          - Nè, anh! Răng không xuống cấy! Răng giống như mấy đứa cháu của em rứa, cứ nói rồi đi mà không làm! 

          2. 

          Với con cái, ông Thứ nghiêm khắc, khiêm khắc quá, quá nghiêm khắc đến nỗi người đời còn nhắc chuyện. 

          Câu chuyện được miên man vào một thời xa vắng. Thời của mới giao - nhận “khoán vật - 10”. Người nông dân ở đây được Nhà nước chia cho hộ gia đình đất ruộng để tự canh tác, tự sản xuất; tự quyết định thu - chi của mình. Nhà ông Thứ có đến mười một nhân khẩu, thế là ruộng phần hộ gia đình ông nhiều đứng vào hạng “top ten” của làng. Nhận hơn mẫu bảy ruộng nhưng người làm thì không có. Ngoài sức lao động của hai vợ chồng, còn lại là một mẹ già và tám đứa con; đứa con gái đầu chỉ mới bước qua mười bảy. 

          Tuổi “mười bảy bẻ gãy sừng trâu”, Khuyên là cô gái nông thôn nhưng có “gương mặt như Tây”, xóm giềng người ta nói vậy. Nàng có nước da trắng, dáng thong dong, đặc biệt là mũi cao và thanh, đôi mắt sáng, miệng bao giờ cũng cười trước khi nói. 

          Một seri tuổi các em của Khuyên như các con số điện toán: 15 - 13 - 11 - 9 - 7 - 5 - 3. Lên sáu Khuyên đã là người trông em cho mẹ. Mười bốn tuổi đã là lao động chính trong gia đình. Khuyên lo cho em ăn, lo cho em tắm, lo nấu cơm, lo mang cơm ra đồng... Vào mùa vụ hay những ngày mẹ nàng sinh em bé, Khuyên trở thành con thoi, trở thành cái đầu máy kéo của một toa em đằng sau.

          Cấy lúa vụ đông - xuân bao giờ cũng rơi vào tầm cuối đông nên thời tiết rất lạnh. Cái lạnh cắt cứa da thịt, có khi phải bỏ má ôi chờ ngày tạnh, ít lạnh hơn mới cấy lại. Trời lạnh mà được châm điếu thuốc để phì phà là ấm áp và khí thế lắm. Có lẽ cha Khuyên, ông Thứ là người hay đi làm đêm, đi làm bất kể nắng - mưa nên nghiện thuốc là một điều không mấy lạ; cũng không khác nhiều quá với những đàn ông trong làng. Không phải ông hút “thuốc Lào nâng cao sĩ diện” mà hút thuốc với niềm thiêng liêng và quý trọng.

          Có lần nọ, Khuyên đang tay xách, nách mang cơm trưa ra đồng cho gia đình cấy lúa ngoài ruộng Bàu Su. Nghe cái tên cũng biết ruộng sâu! Khi vừa lội ngang qua hói, nàng chưa kịp bước lên bờ thì có đến mấy anh chàng ngửi được mùi thơm da thịt người con gái, chúng liền bám theo. Chúng như thèm từ tiền kiếp, khát từ muôn năm; chúng đánh hơi hơn cả loài động vật có khứu giác thính nhất trái đất. Chúng là một trong ba loài được đầu cốt tinh - bà chằn hình thành, theo truyền thuyết của truyện ngày xưa - con đỉa. Thấy đỉa là nàng “hồn bay phách tán”. Nàng bỏ mạnh rổ cơm xuống và cúi người nhìn đôi chân, xem có “anh chàng đẹp trai” nào đã kịp bám nàng chưa. Gói thuốc và hộp diêm trong túi trên chiếc áo khoác ngoài của nàng rơi xuống nước. “Ôi trời ơi, làm răng chừ!? Chết mi mất Khuyên ơi! Cha không có hút thì làm răng? Cha sẽ la đến tối luôn lận a...”.

          - Dạ, cha ơi! Con... con làm rớt thuốc và bao diêm xuống hói nên ướt hết mất rồi! Nhà mình ăn cơm đi, con chạy vô mua thuốc và diêm khác cho cha, cha hi?

          Khuyên miếu, nước mắt sắp rơi. Nàng đang nghĩ đến cơn thịnh nộ từ cha. 

          - Rớt rồi à, ướt rồi à, mua lại à... Bơ hết ngày răng con?

          Nghe ông Thứ hỏi dồn ba câu liên tiếp, tim đứa con gái như bay ra ngoài, ấp úng:

          - Dạ, tại khi lội qua hói thấy đỉa lội theo, con khiếp quá nên...

          - Còn cơm ăn là được rồi! Rứa là còn may! - Mẹ của Khuyên lên tiếng. Bà có nhiều hàm ý trong đó. 

           Ông Thứ không nói gì, cả gia đình ăn cơm trong yên lặng. Không khí căng thẳng thì phải. Không biết từ nguyên nhân vô hình nào đã làm bữa cơm không được vui, ngon miệng như thường. Nơi sự đánh rơi bao thuốc và diêm, nơi con đỉa quái quỷ kia hay ở tính của nàng Khuyên hay sợ; cũng có thể sự nghiêm khắc của người cha...

          Trời mùa đông se lạnh và có những giọt mưa rơi rớt xuống cánh đồng, rớt xuống nơi thửa ruộng nhà Khuyên.

          3. 

          Thuận Hòa là một ngôi làng ở cuối sông và ven phá. Làng có cánh đồng rộng được người ta ví von “cò bay thẳng cánh”. Ông Thứ gắng liền với mảnh đất làng từ khi mới sinh ra cho đến nay đã là lão nông. Tình yêu quê hương, ruộng đồng tha thiết trong ông có khi không chỉ đong đếm bằng lời mà còn bằng tất cả các cảm quan.

          - Bạn ơi, bạn có thể chớp được hương thơm của cây lúa hay mùi bùn của ruộng không? - Một nông dân đang vác má quẳng xuống ruộng cấy đứng lại và hỏi người cầm ống kính máy ảnh xoay xoay tìm góc nhìn, tìm ánh sáng.

          Người cầm máy ảnh, anh ta cất cái máy khỏi tầm mắt mình, nói:

          - Dạ, xin chào mấy anh, mấy chị! Mình cấy sớm ri à?

          - Là nhà báo hay răng anh?

          - Dạ không! Em chớp ảnh nghiệp dư thôi! Hôm nay xem thời tiết đẹp nên em tranh thủ đi ngắm mặt trời mọc và may quá gặp bà con mình đi cấy trông đẹp lắm!

          - Chưa trả lời câu hỏi tui nơi...!

          - Dạ, là? 

          - Chớp được hương vị đồng đó!

          - À, dạ! Em không chớp được cái đó, máy này chỉ chớp ảnh và may thì ghi lại được khoảnh khắc thần thái của non sông, cảnh vật, con người hoặc là sắc màu, ánh sáng thôi... Còn nếu để chớp được mùi vị thì... là những máy đặc dụng dành cho người nghiên cứu nào đó thôi.

          Người chớp ảnh cố giải thích theo hướng câu hỏi về công nghệ. Trong lúc, người nông dân cố ý chơi khăm. Người nông dân nói:

          - Ở làng này có rất nhiều người đã lưu trữ, mang đi, mang về cả hương, sắc, vị của bùn, của lúa, của rạ rơm đó nghe!

          - Dạ, là...

          Người chớp ảnh đang dần hiểu ý người nông dân đang nói về tình lưu luyến cố hương của những người đi xa. Người xa quê, bao giờ trong tâm trí họ cũng luôn đau đáu về nơi “chôn rau cắt rốn” và cái “hương đồng cỏ nội” đã chín muồi trong tâm khảm.

          Có người dưới ruộng cấy thúc:

          - Cho môi má eng Thứ ơi! Mau lên! Nói chuyện chi nói mãi rứa!

          - Từ từ nà, o đứng cho thẳng lưng cái đã! Cấy trước người ta rồi ai theo cho kịp? - Ông Thứ vừa cười, vừa đứng dậy lấy môi má quẳng ra.

          - Thôi, em xin phép đi đã!

          - Uống ly nước đã nì! Làm chi vội rứa? 

          - Dạ, em cảm ơn! Tạm biệt mấy anh, chị nghe.

          Người chớp ảnh tạm biệt và nhảy lên xe.

          Ông Thứ càu nhàu: “Mấy mệ ni nữa nà, tui định nói tào lao với thằng cha chớp ảnh cho vui cái đã mà hối, làm hắn bỏ đi. Bỏ đi thì ai chớp mấy cái mông chổng lên trời mấy người chơ”.

          Cả đám ruộng cười òa lên, không khí lao động vui dần và ấm áp, mặt trời mùa đông cũng e ấp ló ra sau đám mây. Có người kháo nhau, bữa nay sướng chưa, cấy ruộng mùa đông - xuân mà gặp trời nắng là hiếm. Thời tiết còn thay đổi huống là con người. Ngày xưa sao mà khổ thế...

          Ông Thứ đang dưới ruộng thì có điện thoại reo ở trong túi áo để trên bờ. Nói trên bờ chứ thực ra, nay đã là đường quốc lộ. Đó là quốc lộ 49B được chạy ngang qua cánh đồng thay cho con đê nội đồng ngày xưa. 

          4.

          Người trong máy gọi chính là người hai mươi năm xa quê, người đã bỏ làng “tha phương cầu thực”. Là đứa con gái sợ đỉa đến nằm mơ. Là đứa mạnh dạn “cãi lời cha” vượt qua ý thức hệ để yêu và xây dựng tổ ấm; đồng thời chị cũng rất đau đáu nỗi lòng về gia đình. Đó là Khuyên, chị thường thăm hỏi, gửi quà về cho gia đình những ngày lễ, tết hoặc những ngày vào mùa vụ.

          - Cha bây nà! Khỏe chi mà khỏe! Tao đang vát má lội dưới bùn mệt thở không ra hơi đây này! - Ông Thứ chửi con gái qua điện thoại.

          Nghe bên kia con gái gửi lời thăm, ông giả vờ tỏ ra bực mình: “Thôi, dẹp! Không gửi lời, gửi liếc chi hết! Quà cũng không nhận! Có giỏi thì ra đay mà đi cấy cho cha nhờ...”   

          Nhớ hồi mới tập cấy, ba chị em Khuyên hăm hở lắm. Họ xuống đứng dưới ruộng và cười khúc khích. Theo hướng dẫn của cha, ba chị em ba lối cắm má xuống ruộng. 

          - Đã có dây hai bên thẳng hàng, chia rột đều ngang bằng dọc, vuông lúa mà cấy! - Ông Thứ bày cho con.

          - Hai chân răng cha? Đạp ri bơ đất hư hết... - Đứa em gái kế của Khuyên tên Khuyền hỏi.

          - Hai chân hai bên, thục lui đều như chị con rứa tề! - Người cha đang lấy hình mẫu con gái đầu lòng bày cho đứa con gái thứ hai và cả đứa con trai thứ ba cấy lúa.

          Cả ba chị em vui như hội, nói nói cười cười. Bỗng Khuyên la toáng lên và nhảy “Lâm-ba-đa” trên ruộng. Khuyền cũng chạy lên đứng trên bờ. Một vạt lúa mới cấy xong bị Khuyên giẫm nát. Khuyên ấm ớ không nói lên tiếng và mặt tái. Con đỉa to bằng ngón tay út người lớn bám vào chân nàng. Con đỉa mềm, nhờn nhờn. Nó bám và hút máu bằng cả hai miệng. 

          Khuyên và Khuyền không đứa nào chịu xuống cấy lại. Cả hai chị em đứng mãi trên bờ rưng rưng nước mắt. Ông Thứ vừa làm mệt, vừa giải thích, các con gái ông vẫn sợ và không giám bước chân xuống ruộng. Ông bực lên, có sẵn chiếc roi cày người ta đập trâu quẳng ở bên bờ, ông cầm cây roi và lên tiếng hỏi:

          - Đỉa cắn có đau không con?

          - Dạ, đau cha ơi! - Khuyên trả lời.

          - Sợ không con?

          - Dạ, sợ!

          - Chừ đỉa cắn đau hay cha đặp đau? Sợ cha hay sợ đỉa? 

          Ông Thứ đưa cây roi lên định quất vào đứa con gái đầu lòng mười sáu tuổi. Thế là hai chị em trở lại cấy. Khuyên vừa cấy vừa ấm ức khóc. Khóc vì sự uất ức, nghẹn ngào. Nàng giận con đỉa. Nàng cầu thầm đứng có con nào xuất hiện ở ruộng và bám vào chân. Nàng tự vấn sao đời này có những con vật đến ghê tởm vậy. Con vật “ăn thịt, uống máu người” bằng cả hai miệng. Nàng ước mơ đừng có loài đỉa thì cuộc sống đẹp biết bao, thế giới an lành đến chừng nào... 

          Khuyên nhìn mẹ, thấy mẹ buồn buồn. Nhìn cha, cha lam lũ quá, cha gầy và sạm nắng đến thương. Nhìn hai đứa em đang cố gắng tập cấy, cố cắm cho đều bụi lúa, cho vuông ô, thẳng hàng. Nàng nghĩ đến bà, bà yếu rồi. Nghĩ mấy đứa em còn nhóc nheo... Ruộng nhà thì nhiều, “mình không lo cấy thì biết làm răng...”. Muốn thoát cho đỡ bị loài “hút máu” đeo bám có một cách là cấy thật nhanh.

          5.

          Ruộng nhà ông Thứ bao giờ cũng đẹp, cũng tốt hơn ruộng người khác. Từ khâu cấy, ông đã giăng dây và yêu cầu cấy phải đều đặn. Khâu nhổ cỏ, ông cũng bắt các con phải làm như ông, phải xoa và cào đất cho mềm; không được để cỏ sót lại trong lúa. Nước là đứng thứ nhất trong bộ tứ: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Lúc nào ruộng ông cũng tát đầy nước và làm bờ bao cẩn thận không cho nước thoát. Hồi những năm đó, chưa có thuốc trừ cỏ; tát nước bằng gàu, tiến bộ hơn là đạp nước bằng xe gỗ có ba mươi hai lá. Đạp nước ruộng thấp thì dễ, khỏe và mau đầy. Đạp nước ruộng cao mới khó. Nước từ dưới thấp được đưa ngược lên cao, đạp trục xe nặng; ruộng lại mau khô. Năm sào ruộng có khi đạp nửa ngày chưa đủ nước, nhất là vụ hè - thu... 

          Khuyên vừa đẹp người, làm giỏi lại có giọng hát hay. Trong những cuộc vui chơi với bạn bè, Khuyên là giọng ca của nhóm. Với cây đàn ghi - ta, thế là nam thanh, nữ tú hát vang xóm, vang làng thâu đêm. 

          Vậy mà đến ngày tập văn nghệ để thi ở xã, ông Thứ cấm không cho Khuyên đi. Nhóm tập, cả bí thư chi đoàn viên đến xin cũng không được.

          Lý do?

          Vì có thằng Quân trong đội văn nghệ. Nghe đâu Quân và Khuyên quen nhau, hai người yêu nhau nhưng bị gia đình ngăn cản. Ông Thứ cương quyết “đã có bà con là không được lấy nhau”. 

          Con tim của tuổi trẻ cứ khát tìm. Chân trời tình yêu đang vẫy gọi. Những mơ ước chim liền đôi đang chào đón họ. Bình minh đã nhóm trong tim, làm sao tắt nắng được đây?

          Khuyên và Quân cũng đã tìm hiểu và hỏi người lớn, họ biết rằng giữa hai người có chút bà con song rất xa, tính ra cả năm sáu đời bên phía ngoại. Khuyên và Quân cứ lén hẹn nhau. Có đêm, Khuyên sang nhà hàng xóm nhờ đứa bạn thân mặc áo quần giống mình qua ngủ ở nhà với em gái trong lúc mình đi gặp người yêu; lỡ mẹ nàng có lên kiểm tra thì vẫn thấy có người.

          6.

          Cho đến một ngày đầu xuân, sau khi ăn tết Nguyên Đán xong, Khuyên sắp tạm biệt gia đình để vào thành phố làm việc. Khuyên vào bán hàng tạp hóa cho người quen trong đó. Người ta cần người và thấy nàng lanh lợi. Gia đình ông Thứ cũng mong con thoát được “chân bùn, tay lấm”; đồng thời cho “chúng xa nhau”, theo ý ông Thứ là Khuyên và Quân xa nhau để mà không còn yêu nhau nữa. Khuyên thì lại nghĩ khác, vừa có việc làm mới, tránh được cơn sợ mỗi vụ cấy hái bị đỉa làm cho ám ảnh cả trong mơ. Ngoài ra, nàng có những dự định khác.

          Lần đầu tiên ông Thứ ngồi nói chuyện với đứa con gái có thời gian lâu và không nạt nộ.         

           - Con gái, con lứa phải biết giữ gìn, cẩn thận. Đến đất khách, quê người phải biết... - Ông Thứ cảm giác nghèn nghèn. 

          Thực ra, ông thương Khuyên nhiều lắm. Đứa con gái đầu lòng, đứa chịu nhiều vất vả, hy sinh; cũng bị ông la rầy nhiều nhất. Dù thương, ông vẫn tỏ ra ác ý để con mình sợ, sợ để làm theo, gương mẫu cho cả đàn em sau, với lại cuộc sống phải cần lao động cần lao mới có được cái ăn, cái mặc, không bị đói lạnh trong mùa giáp hạt. Đôi lần ông cũng thấy mình quá đáng, muốn nói chuyện từ tốn, êm nhẹ với con nhưng tính ông thì nóng nảy và luôn tỏ ra mình là người nghiêm khắc.

          - Dạ, con biết mà thưa cha. Hôm qua mạ đã dặn con cả đêm luôn. Con lớn rồi mà...

          - Ừ, lớn!

          - Cha giữ gìn sức khỏe nghe, uống rượu và hút thuốc ít thôi đó!

          Nói đến hút thuốc, Khuyên lại nhớ có lần nàng đã làm rơi bao diêm và thuốc ướt khi lội qua hói. Nàng vẫn thấy có lỗi đến giờ vì buổi chiều đó ông Thứ phải nhịn hút. Ông không nói gì làm Khuyên càng lo và sợ hơn. Khuyên hỏi ông:

          - Răng bữa con làm thuốc và diêm ướt cha không có thuốc hút mà cha không la con?

          - Ừ, cha thèm thuốc lắm nhưng nghĩ lại, con sợ đỉa một phần mới làm rớt, con lại sợ cha đến gần khót rồi... Cha la làm răng được?

          - Con xin lỗi cha...

          - Thôi được rồi, cố gắng vào làm việc cho tốt, sống được trong thành phố thì khỏi phải làm ruộng... - Ông Thứ định nói nhiều nhưng thôi. 

          Đêm sắp rằm giêng nên trăng rất thanh. Sao rải khắp trên bầu trời. Đêm thật mát và đã có những giọt sương ươm lên ở đầu ngọn cỏ. Lúa đang phất phất xanh ở ngoài đồng. Tiếng ếch nhái ngoài đồng vọng vào, chúng đang đàm thoại với một thế giới yên bình đến lạ. 

          Ông Thứ vừa nghe được tiếng gì đó rất xa, rất lạ ở trong bản giao hưởng âm thanh kia. Tiếng lòng mình chăng? Khuya lắng sâu dần... Ông lấy hộp diêm trong túi áo ra và bật một que thắp điếu thuốc Đà Lạt. Ánh lửa chiếu sáng gương mặt ông. Khuyên nhìn cha mà lòng chùng lại. “Cha ốm quá! Cha thánh thiện quá! Rứa mà mình có lần đã có ý trách, giận cha…”

ĐNTG



 

Không có nhận xét nào:

Trang