Chiếc ghe nan lao qua cống
như sự xuôi thác. Bình tĩnh và tự tin, cô nàng cặp mái chầm cho ghe xuôi, đang
phăng phăng bỗng “ầm”. Chiếc ghe quầy ngang, nghiêng mạn, nước oà vào lòng ghe.
“Ôi, mạ ơi!... Anh Hiền cứu với!”. Như con vịt bị ướt lông, nàng bơi nghiêng
xuôi ngang dòng nước chảy. Nước bạc trộn cùng nước biển xâm chiếm vào cơ thể
nàng lạnh, lạnh dần.
Chàng vớt nàng lên khỏi
dòng nước cóng. Toàn thân nàng run bần bật. Hơi ấm, hút “con chim ướt sũng” áp
sát vào chàng. Cái ôm của hai đối cực vỡ oà, bừng tỉnh, cả hai thẹn thùng.
Chàng đặt nàng ngồi vào trong trại rồi nhanh chân chạy ra ngoài lao xuống dòng
nước kéo chiếc ghe lên, lừa (lùa) nước ra và tát khô.
Chiếc ghe nan lướt nhanh
trên mặt nước, ngọn sóng của gió đông bắc cứ xạc xào, réo gọi. Nàng co ro ngồi
che chiếc áo mưa, miệng cười nhưng lòng vẫn chưa hết sợ. Chàng chở nàng về lại
nhà nàng.
- Ôi, mấy thúng trứng của tui, của e… m… em mất hết rồi!
- Thôi, nó trôi thì thôi
chứ răng chừ, cứ vô nhà kẻo lạnh đau chừ, gió to với nước rứa mà đi bán, bộ
không sợ à?
- Dạ, tại hôm qua người ta
dặn đem trứng qua người ta mua để trữ ăn mùa lụt đó, sợ chơ! Mà sợ gì chứ, có
người luôn canh trực ứng cứu mà!?
- Lần sau đừng liều nữa o
hí! Không kịp thì xuôi ra phá luôn đó…
- Biết rồi!
Nước từ thượng nguồn đổ về
không nhiều nhưng cũng đủ cánh đồng mênh mông, ngập ứ. Các con đê nội đồng đều
ngập. Nước giữ lại trong đồng cao hơn bên phá cả mét, con đê ngăn mặn nay giữ
nước ngược. Nước là thứ chỉ biết chảy xuống, nhỉ nhiên là khi nó ở trạng thái lỏng
còn thể hơi thì chưa hẳn; nó ồ ạt đua nhau tìm lối thoát và trong điều kiện này
thì cái cống là nơi duy nhất giải toả nỗi lòng của chúng.
Vào những đêm nước bạc đổ
về như thế, một vài người dân đem nghề (như cột báy ở sông) ra cột; cột để hứng
cá tôm bị cuốn theo dòng chảy. Hai phía đầu cái nghề được buộc hai sợi dây thừng
cố định vào hai cây sào cắm ở hai bên cống. Ở đằng sau gọi là đụt, nơi thu “chiến
lợi phẩm”. Cứ như thế người ta ngồi đợi vài canh giờ rồi kéo lên đổ vào ghe và
phân loại thủy sản. Một đêm cột nghề bằng cả tuần công lao động. Nói thì dễ,
làm thì khó, chỉ cần tích tắc mọi công lao “đổ sông đổ bể”, chỉ cần vỡ cái đụt
hay đứt sợi dây, chưa kể đến nguy hiểm tính mạng nữa là khác. Người cột nghề phải
thạo (giỏi). Thạo bơi lội, thạo tính nước gió, thạo ước sức mình với dòng chảy,
thạo giờ giấc, thạo đoán cá tôm… Mới làm được.
Cách cái cống có gò đất
cao rộng, nơi trại vịt của Hiền. Nói trại của Hiền chứ chàng chỉ là kẻ chăn
thuê cho người ta. Ngàn con vịt đẻ từng đêm và năm vài lứa vịt thịt, ngót nghét
mà đã mười mấy mùa thu - cũng chừng nấy mùa nước bạc, cũng là mùa người ta cột
nghề ở nơi cái cống này. Từ thằng bé mồ côi được đưa về đây đuổi vịt bây giờ
thành chàng trai chăn vịt lành nghề, khỏe mạnh. Chàng có gương mặt sạm nắng
nhưng vuông vức, kiên nghị và có vẻ già trước tuổi. Chàng có giọng nói to, khoẻ
trời phú, cũng có thể do rèn luyện để đuổi, xỉ vịt hay để hát nghêu ngao vào những
ngày rong ruổi theo đàn, đêm thì cất lên tiếng hát chống lại sự “đồng không
mông quạnh”. Thi thoảng có người đùa, tiếng hát kẻ chăn vịt kia là tiếng hát
Trương Chi của xứ đồng nước lợ này. Nước lợ là ở nơi vùng giao thoa, sự trộn lẫn
nhau của ngọt và mặn. Nó như “lưỡng lự và phân vân” không khác gì kẻ đi - người
ở chưa muốn dứt áo chia tay.
Từ khi mẹ nàng đau lưng
quá không đi chợ được, nàng đi bán một mình. Đầu hôm đến nhà chủ vịt lấy vài ba
trăm trứng, bỏ vào các thúng có trú để sáng sớm mai qua bên kia phá bán. Công
việc không khó chỉ cần cẩn thận và chuyên cần. Cũng nghề bán trứng, kiếm lãi mẹ
con nàng đã sống qua gần hai mươi năm nay kể từ khi ba nàng bị sét đánh. Người ở
quê lúc ấy gọi là “Trời đánh”. Con của kẻ “Trời đánh” nhưng nàng lại hiền, hiếu
thảo. Học xong lớp năm nàng nhất quyết ở nhà phụ mẹ. Bà mẹ rơi nước mắt khuyên
con, rồi nghe con phân trần về việc học và nghỉ. Bà biết mình hay đau ốm, cái bệnh
đau lưng khiến bà không mang vác nặng, ngồi lâu được.
Bất ngờ một chiều nàng
mang đến trại cho Hiền một mớ rau đắng. Loại rau lá xanh, có có thể ăn luộc, ăn
sống, vị thì đắng khi ăn nhưng cảm thấy thanh cổ sau đó. Nó thường mọc ở chân
đê, ruộng đồng. Nhất là sau mùa lụt, loại rau đó càng tốt tươi. Nàng còn kèm tặng
chàng nụ cười tươi xinh. Chàng thấy tim mình loạn nhịp. Nhưng, một thông báo mới
làm chàng chết lặng. Nàng cho biết ngày kia là có người đến dạm hỏi nàng.
Mớ rau chiều ấy đắng
nghét, Hiền không sao nuốt nổi cơm tối. Chàng không hiểu mình vì sao nữa, chàng
cũng không buồn bật ngọn đèn dầu lên như mọi ngày. Chàng sợ đàn vịt thấy khuôn
mặt u uất của mình. Trăng mồng tám nửa vầng như chế dạo gã, trăng cứ nghiêng
nghiêng, lơ lửng và cong cớn trôi đi như chiếc thuyền nan. Bầy sao xa xôi kia
nhấp nháy dù đã qua tháng mười âm lịch. Bọn đom đóm như trêu ngươi, chúng mặc
nhiên chấp chới bay lượn...
Tựa lưng vào trại, Hiền
nhìn về làng và bất giác hát “Tuy xa mà gần, tuy gần mà xa. Giờ chừ xa mấy nữa…”.
Câu hát nghẹn trong cổ. Làng cách gò đất trại có xa “chi mấy”, một cánh đồng!
Tiếng cuốc kêu nơi này bên khác cũng nghe vào đêm thanh vắng. Vậy mà, thế giới
trong làng khác đây quá nhiều. Ánh sáng, âm thanh là hai lượng vật lí dễ nhận
được. Còn một đại lượng ngầm nữa là sự ấm áp, vui vẻ, quây quần của con người
trong đó. Lần đầu gã thấy rõ lòng mình trống trải, vắng lặng và hình như cô độc
nếu không nói là cô đơn.
Tiếng ồn ào náo nhiệt như
bản đồng ca là đàn vịt. Chúng đối thoại với Hiền từng đêm. “Quan quác, cáp” là
tiếng “người mẹ” vừa sinh ra đứa con chưa hình hài của mình. “Cáp cáp” là tiếng
lúc gặp nguy nan. “Cạp cạp” là tiếng tìm đồng bọn. Nhiều tiếng “Cáp, cạp” liên
thanh là chúng mời nhau dùng bữa. Tiếng khàn là con trống, to rõ con mái. Hòa
thanh ríu rít là chung vui, ấm êm. Tiếng kêu lẻ vang lên thất thanh là sợ hãi.
Âm thanh đều nhỏ dần là chúng sắp ngủ… Mỗi lần đối thoại với dàn âm thanh kia
“bưa”, chàng hát. Hát thật to, thật hay để ru mình và ru cho đàn vịt; cả ngàn
cái miệng cáp cáp kia nếu im lặng thì chỉ có trời sập… Đêm nay, gã như quên âm
thanh quen thuộc gần bên mà nghe một âm thanh nào đó rất xa. Âm thanh từ miệng
người con gái gọi tên chàng lúc gặp nguy.
Ý nghĩ rằng rạng đông
không có chiếc ghe nan qua ngang cống. Tiếng vốc mái chầm rất đều và nhẹ. Chiếc
ghe tách làn mây in nước ra làm đôi. Bình minh xa xa còn thảnh thơi tiếng chim
gáy, chim gù. Bầy vịt trong chuồng không còn ào lên chào đón mỗi lần ghe nàng
qua. Và... Người con gái ấy đi xa. Chàng vẫn neo lại cồn hoang, vui cùng đàn vịt
nhóc nheo.
Bỗng mùa đông năm ấy, thời
tiết khắc nghiệt. Miền trung thêm những đợt rét, rét như miền bắc, lại thêm bệnh
H5N1, bệnh dịch gia cầm… Người ta đem gà, vịt, ngang, ngỗng đi chôn sống. Một
cái hố, nhiều cái hố đào sâu ba, bốn mét, đường kính bốn, năm mét; người ta quẳng
từng bao con gia cầm sống xuống, chồng chất lên rồi dập đất lại. Có con gà
thoát ra khỏi cái bao nhảy bay loạn xạ trong hố. Khi biết không bay lên nổi,
đôi cánh nó trề xuống thách thức muốn đấu với đối thủ, cái đầu nó xoay nghiêng
nhìn “thế sự”. “Mới hôm qua còn nghe các ngươi bàn tán thịt gà ngon, một ki lô
gần trăm ngàn, các ngươi xem tao như của quý sao hôm nay đem chôn tao!? Tao đâu
có bệnh gì đâu!? Đồng loại tao ở đâu đó bị thôi, đề kháng của chúng tao có mà,
chúng tao sẽ vượt qua cơn dịch một cách ngoạn mục; chúng tao có lây đến con người
đâu. Hãy để tao bay lên...”. Chung quanh hố là những gương mặt đeo khẩu trang,
đó là lực lượng dân quân, cán bộ, y tá ra sức phòng và dập dịch. Đất được hàng
chục cái xẻng tạt xuống. Trước khi bị nằm bẹp dưới đất, con gà kia kịp kêu lên
tiếng thất thanh. Nó dần dần đi vào giấc ngủ “thiên thu”; ý nghĩ còn lại của nó
là: “Liệu đồng loại của chúng từ đây đã kết thúc trang chưa!?”.
Sau đợt dịch gia cầm đó,
trại vịt của Hiền trống không. Thành “kẻ vô công rồi nghề” cả tháng trường.
Chàng theo anh em trong xóm phụ hồ. Gã say bên nhà đội thợ của Hiền xây luôn suốt
ngày chửi mánh, chửi khéo, chửi ai đó, chửi cả gia tộc, anh em, vợ con và cả
chính mình. Gã chẳng thấy ai vừa ý. Gã “ca bài ca không quên” làm vang cả xóm.
Ban đầu cũng lạ, hỏi ra thì biết gã say kia cứ một năm lên cơn điên, nghiện rượu
vài ba tháng. Gã vốn là tay thợ mộc lành nghề từng làm trong Đại Nội Huế. Bằng
chứng là đội thợ làm thiếu cái khoan, cái cưa, cái đục... Nói anh chủ nhà qua
mượn là có ngay. Gã giải thích việc gã không đi làm gì, chỉ ăn rồi uống rượu
chơi một cách hợp lí nhất đối với gã. “Ở trên mảnh đất cả ngàn mét vuông ni, mấy
eng tính đi, bán xem bao nhiêu nhỉ!? Bạc tỷ như chơi à!? Tui đã tỷ phú nhe! Tỷ
phú thì làm gì cho mệt! Mấy eng đi làm lũi mụi có hơn tui cũng khó à! Tui cho
thuê nửa sân trước cho mấy mụ kinh doanh nớ thì thừa sức sống ạ...”.
Gã mới nói chuyện với đám
thợ xây chưa dứt liền quay sang nhà ông anh ruột chửi. Gã cho ông anh ăn sáng một
mình là không cho vợ con ăn để vợ con ông đói khát, minh chứng là bà vợ ông ta
nhỏ thó và “teo khu tóp đít”. Ông anh đã quen nên nhịn em. Nhịn được ba mươi
câu chửi, âu cũng thánh sống. Gã chửi tiếp đến câu thứ bốn mươi. Ông anh lên tiếng,
ám chỉ vợ ông ta thì ốm o còn hơn vợ gã để cho kẻ khác dùng. Đến câu năm mươi,
ông anh nổi giận: “Cha mi, im không tao qua đập bể mỏ!”. “A, cha tau ư! Không
cha mày à!? Đồ hư ăn, ăn cái nớ cho xong!...”. Ông anh rút cây đùi chạy qua dọa
đập; gã sợ bỏ chạy vào trong nhà im re. Không quá nửa tiếng sau, âm thanh của
gã lại vang lên. Đội thợ có một phen đàm tiếu.
Mỗi lần gã đến mùa say, vợ
con gã phải “di trú” về bên nhà chị ruột của gã, cho gã một mình tùy ý sử dụng
thời gian và la bới. Gặp cảnh gã bị người ta đánh cho đến chảy máu đầu mà vẫn
kênh kiệu chìa cái mặt ra để chửi là không lạ gì. Mấy lần gã bị công an phường
kéo về đồn. Anh em, vợ con gã lại đến xin cho về. Đưa vô viện tâm thần thì chưa
đến mức nhưng “lắm nhức óc” cho người thân và xóm riềng.
May là gã còn nghe lời người
chị ruột. Chị hay cho đồ ăn, hay nói lý lẽ; gã sợ người đàn bà nhỏ bé mà khiên
nghị đó. “ Tui nghe lời chị, chị là mẹ tui, chị đặp tui; tui cũng ngồi cho đặp
rứa...”.
Không biết thế nào, ngày
nhà Hiền phụ xây sắp hoàn thành thì bên nhà gã say kia khá đông người. Nghe đâu
người ta mời thầy về cúng cho gã tỉnh. Hiền vác thùng hồ trên vai và nhìn sang
nhà bên đang cúng. Bàn cúng trưng bày rôm rả vàng mã và giấy tờ, có những hình
con nộm to tướng. Ông thầy cúng xướng bái. Gã say và người đàn bà cùng quỳ lạy
theo lời thầy. Nhìn kỹ hơn, Hiền suýt vấp chân đổ xô hồ. “ Trời, Nguyệt! Sao
nàng ấy ở đây!?”. Trong một phần tư giây chàng hiểu, nàng là vợ của gã say. Bỏ
thùng hồ xuống, Hiền xác minh một lần nữa vì sợ mình hoa mắt.
Chiều hôm đó, Hiền uống
nhiều hơn thường lệ, uống làm cả nhóm thợ bất ngờ. Trước đây không quá ba cốc,
Hiền đã “cáo”. Vậy mà hôm nay, chàng nốc đến cốc thứ bảy. “Hôm nay vui mấy eng
à, cho tui thêm ly nữa! tôi chưa say đâu!”. Khi người ta bào chữa cho mình chưa
say nghĩa là đã say. Mặt mày đỏ bừng, có dấu hiệu chuyển sang tái. Không biết
có ai hiểu thấu lòng. Hiền cố gắng nói cười với anh em thợ nhưng lòng buồn vời
vợi. Đầu óc lờn vờn hình ảnh Nguyệt. Cô gái mỗi sớm mai băng ghe qua cánh đồng,
qua phá đem trứng đi bán. Có lần núp trong trại nhìn theo bóng chiếc ghe mà
lòng hân hoan những mơ ước. Mớ rau đắng xanh xao cứ chập chờn dư vị. Cái kéo
tay ôm cô gái dưới sông lên thấp thoáng. Nụ cười, giọng nói ai đó cứ bâng quơ.
Hình ảnh trăng mồng tám như chiếc ghe trôi...
Rồi câu nói của ông anh gã
say, tiếng chửi đâu đó vọng lại. Tiếng lao xao, ồn ào náo nhiệt của đàn vịt.
Chàng thấy lòng nặng trĩu. Chân bước thấp, bước cao hay mặt đất không bằng phẳng,
mặt đất dậy sóng. Chàng say lang thang theo cách của mình. Bằng cách nào đó
chàng đã đến bên cái trại vịt của mình. Chàng ta ngồi bịt xuống rồi cất lên giọng
hát rề rà và ngủ thiếp đi. Giấc mơ đã bổ sung những dự khuyết vào đời sống.
Nguyệt đến trại vịt Hiền,
nàng đẹp như ánh sao xa, lấp lánh và huyền ảo. Nàng là vầng trăng khuyết lung
linh, vừa hiện thực vừa ảo mờ. Nàng ngồi xuống nắm lấy tay chàng và nói điều gì
đó. Chàng mệt lắm, muốn ngồi dậy, cố nhìn gương mặt nàng nhưng nàng như cái
bóng khó định hình. Hình như nàng đỡ chàng dậy; họ đã thân tình, người “mớm” -
kẻ “mơm”. Nàng cố cho chàng uống vị gì đó rất chua. Sự “pha lê” trong hai đối cực,
chàng ôm riết nàng vào lòng. Nàng “xuôi” theo ý chàng. Đôi môi tìm nhau.
“Kẻ say” tỉnh giấc trong
niềm khẳng khái của một giấc ngủ dài, mơ hoang và cả mơ hồng. Nguyệt! Trời! Người
con gái đêm qua? Thực hay mơ? Mơ sao giống thực? Bước ra khỏi cái lều trại, Hiền
nhìn quanh tìm kiếm điều gì vừa xảy ra trong đời mình. Dấu chân, chính xác hơn
là dấu dép còn in xuống đất nơi lối đi. Dấu dép của phụ nữ. Chàng loay hoay,
loay hoay rồi quyết định đi như chạy vào nhà ông chủ.
Cô gái thứ ba của ông chủ
đón “kẻ vội vàng” bằng nụ cười tươi chưa từng có và khó hiểu, nàng còn kèm theo
chút thẹn thùng. Chàng thấy thị đẹp lạ. “Hắn ta” giật bắn người, “không thể
nào!? Không thể nào!?” Thị xấu người nhưng đẹp nết và có chút kiêu kiêu nên sắp
ba mươi vẫn là “Miss”, Miss theo cách nói của người ưa mô - đen tiếng Anh; Miss
được định nghĩa trong khuôn dạng là chưa có chồng. Nếu như mở ngoặc theo ý khác
(của phương đông cẳng hạn) thì nghĩa là còn trong trắng. Có lần thị cũng xưng
Miss với chàng nhưng chàng chẳng biết gì nốt. Trong sự rối bời của những bí ẩn,
chàng lại thoáng qua trong đầu âm thanh của đàn vịt, chúng vang lên quanh ngôi
nhà và những đứa con nhỏ chạy nhảy, vợ chồng đang nói chuyện làm ăn... Cả chuỗi
ý tưởng đang trôi qua. Xa xa, tiếng chim bình minh đang gù gọi. Chớm hồng của rạng
đông đang lóe lên. Mùa xuân đang chín dần, chín dần...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét